Cây Đại tướng quân là 1 thảo được được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc y học cổ truyền từ xa xưa. Tác dụng chính của cây Đại tướng quân là điều trị đau nhức xương khớp, bong gân, trật gân khớp sau chấn thương… Tìm hiểu những thông tin cần thiết liên quan đến cây Đại tướng quân để có thể sử dụng thuốc một cách hiệu quả và an toàn.
1. Cây đại tướng quân là cây gì?
Cây Đại tướng quân còn được gọi là cây Náng hoa trắng, Náng, Chuối nước, Tỏi lơi, loại cây này thường được sử dụng để điều trị đau nhức xương khớp, nhức mỏi tay chân, bong gân, trật gân khớp sau chấn thương té ngã. Ngoài ra, một số người còn có thể sử dụng cây Đại tướng quân để điều trị mụn nhọt hay tình trạng rắn cắn sưng đau.
Hình dáng cây:
Cây Đại tướng quân có tên khoa học là Crinum asiaticum L thuộc họ hoa loa kèn đỏ (Amaryllidaceae). Cây Đại tướng quân là cây thân thảo, hình trứng, có hành (giò), thân dài trung bình khoảng 5 – 10 cm. Phía trên thân thì củ thót lại thành cây có độ dài khoảng 12 – 15 cm. Lá cây Đại tướng quân mọc từ gốc, hình ngọn giáo và lõm vào bên trong, mép nguyên, bên trên có khía, có những lá có thể dài đến 1 mét và rộng khoảng 5 – 10 cm.
Cây Đại tướng quân thường ra hoa và kết quả vào những tháng mùa hè. Hoa thường mọc thành cụm tán và phát triển trên một cán hoa dài hẹp, đường kính của tán hoa gần bằng ngón tay với chiều dài khoảng 40 – 60 cm. Mỗi cán hoa Đại tướng quân thường có 6 – 12 hoa hoặc có khi nhiều hơn. Hoa Đại tướng quân có màu trắng, mùi thơm, đặc biệt tỏa hương thơm vào buổi chiều. Loại hoa này được bao bọc bởi các mo dài từ 8 – 10 cm. Quả cây Đại tướng quân có tình chất mọng hình tròn hay gần tròn. Đường kính một quả khoảng 3 – 5 cm và thường chỉ chứa một hạt.
Toàn thân cây Đại tướng quân đều có thể được ứng dụng để làm dược liệu với tên khoa học là Herba Crini Asiatici. Cây Đại tướng quân có hai loại là hoa đỏ và hoa trắng, trong đó loại được sử dụng phổ biến hơn để làm thuốc là cây hoa trắng hay còn gọi với tên gọi khác là cây Náng hoa trắng.
Phân bố:
Cây Đại tướng quân thường được tìm thấy ở Indonesia, Ấn Độ và đảo Mollusc. Tại Việt Nam, cây Đại tướng quân thường mọc hoang ở nơi có khí hậu mát mẻ, đất ẩm ướt như cạnh bờ suối, ao hồ, sông rạch. Ngoài được dùng để làm thảo dược, cây Đại tướng quân cũng được trồng làm cảnh.
Thu hoạch, sơ chế và bảo quản:
Cây Đại tướng quân có thể được thu hoạch quanh năm, tuy nhiên màu hè là mùa thích hợp nhất để thu hái dược liệu vì thời điểm này cây Đại tướng quân ra hoa rất nhiều. Sau khi thu hoạch, người ta đêm cây đi phơi khô hoặc có thể dùng tươi đều được. Ngoài ra, có thể tán bột cây Đại tướng quân để dùng ngoài da hay nấu thành cao. Dược liệu này sau khi bào chế cần phải được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm ướt.
Thành phần hóa học:
Theo dữ liệu phân tích, thành phần hóa học chủ yếu có trong cây Đại tướng quân bao gồm Ambelin, Crinasiatin, Crinamin. Bên cạnh đó, rễ của cây Đại tướng quân còn chứa các thành phần như Vitamin, Alkaloid Harcissin (Lycorin), các hợp chất kiềm khiến cho dược liệu có mùi tỏi. Ngoài ra, hạt còn chứa Crinamin và Lycorin.
2. Tác dụng của cây Đại tướng quân
Theo Y học hiện đại:
Tác dụng dược lý của cây Cây Đại tướng quân theo Y học hiện đại trong điều trị những bệnh lý sau:
- Đau răng, đau họng;
- Mụn nhọt, viêm mủ da, viêm da, loét ở móng bàn chân hoặc bàn tay;
- Đau nhức xương khớp, đòn ngã tổn thương, bong gân;
- Vết rắn cắn;
- Rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, buồn nôn, nôn, khó tiêu;
- Trĩ ngoại;
- Toát mồ hôi, long đờm.
Ở Ấn Độ, người ta còn dùng thân của cây Đại tướng quân để điều trị tình trạng thiếu mật, rối loạn đường tiết niệu. Lá của loại thảo dược này còn dùng để đắp làm tan sưng và điều trị các bệnh lý ngoài da.
Theo Y học cổ truyền:
Cây Đại tướng quân quy vào kinh phế, tỳ và vị. Thân của cây Đại tướng quân có mùi hôi, vị đắng tính nóng có tác dụng nhuận tràng, tán hàn, long đờm, tiêu sưng, giải độc. Lá của thảo dược này sẽ giúp long đờm, trong khi hạt có tác dụng điều kinh và lợi tiểu. Ngoài ra, vị cay trong cây Đại tướng quân còn có tác dụng tán ứ, thông huyết, giúp tiêu sưng và giảm đau.
Liều dùng hằng ngày là 10 – 30 gram và có thể dùng tươi hoặc phơi khô, sắc thuốc uống, nấu thành cao hoặc bôi ngoài.
3. Lưu ý khi sử dụng cây đại tướng quân
Dưới dây là một số lưu ý khi sử dụng cây Đại tướng quân trong điều trị bệnh:
- Không nên quá lạm dụng cây Đại tướng quân vì có thể gây ngộ độc.
- Nếu ăn phải hành của cây Đại tướng quan hoặc uống nước ép từ dược liệu này, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, hô hấp không đều, nhiệt độ cơ thể cao, mạch nhanh. Khi đó, bệnh nhân cần được giải độc bằng cách dùng nước trà hoặc Acid tannic 1 – 2% để uống. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể giải độc bằng cách uống nước muối, nước đường pha loãng hoặc uống nước Gừng kết hợp với giấm theo tỉ lệ 1:2.
- Các bài thuốc dùng để đau nhức xương khớp, lưng đau mỏi, bong gân chỉ được dùng ngoài, không được phép uống.
Cây Đại tướng quân là 1 loại thảo dược được sử dụng để chữa trị cho nhiều tình trạng khác nhau, trong đó phải kể đến những bệnh lý liên quan đến xương khớp. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong việc dùng cây Đại tướng quân, bệnh nhân nên liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền, để được thăm khám và chỉ định sử dụng thuốc phù hợp.